• vi
  • en

Tìm hiểu về bệnh sởi

2019-03-28T09:36:41+07:00 March 28th, 2019|

Bệnh sởi là gì?

Sởi là bệnh nghiêm trọng, rất dễ lây, gây ra bởi một loại virus. Năm 1980, trước khi việc chủng ngừa được thực hiện rộng rãi, hằng năm bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong. Đến nay, mặc dù đã có vắc xin an toàn và hiệu quả, sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu. Năm 2012 có khoảng 122.000 người chết vì bệnh sởi – chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.

Hoạt động tiêm chủng được đẩy mạnh đã có tác động lớn trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong do sởi. Từ năm 2000, có hơn 1 tỷ trẻ em ở các nước có nguy cơ cao được tiêm phòng sởi thông qua các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt ― năm 2012 có khoảng 145 triệu trẻ được tiêm phòng. Tỷ lệ tử vong do sởi trên toàn cầu đã giảm 78%, từ 562.000 trường hợp xuống còn 122.000 trường hợp.

Các biểu hiện và triệu chứng của bệnh sởi?

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao, bắt đầu khoảng 10 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với virus, và kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, và các đốm trắng nhỏ bên trong má có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu. Sau một vài ngày thì ban sởi bùng phát, thường là ở mặt và cổ. Trong khoảng 3 ngày ban sởi lan rộng xuống thân mình, và cuối cùng lan tới tay và chân. Ban sởi kéo dài 5 – 6 ngày, sau đó mất dần. Trung bình ban sởi xuất hiện sau khi tiếp xúc với virus được 14 ngày (trong khoảng từ 7 đến 18 ngày).

Những ca sởi nặng thường gặp ở trẻ em được nuôi dưỡng kém, đặc biệt những trẻ thiếu hụt vitamin A hoặc trẻ có hệ thống miễn dịch bị suy giảm do HIV/AIDS hoặc các bệnh lý khác.

Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan tới sởi là do biến chứng của bệnh. Biến chứng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng nghiêm trọng nhất bao gồm: mù mắt, viêm não (nhiễm trùng gây phù não), tiêu chảy nặng gây mất nước, nhiễm trùng tai, hoặc nhiễm trùng hô hấp nặng như viêm phổi. Có tới 10% số ca mắc sởi tử vong trong những quần thể có tỷ lệ suy sinh dưỡng cao và không được chăm sóc y tế đầy đủ. Phụ nữ bị sởi khi đang mang thai cũng có nguy cơ biến chứng nặng, có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Những người khỏi bệnh sởi sẽ có miễn dịch với sởi suốt đời.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?

Trẻ em không được tiêm vắc xin phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, bao gồm cả tử vong.

Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã được tiêm phòng nhưng không sinh miễn dịch) đều có thể mắc sởi.

Sởi vẫn còn phổ biến ở nhiều nước đang phát triển – đặc biệt là ở một số vùng ở châu Phi và châu Á. Mỗi năm có hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh sởi. Đại đa số (hơn 95%) các trường hợp tử vong do sởi xảy ra ở những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.

Bệnh sởi lây truyền như thế nào?

Virus sởi rất dễ lây qua ho và hắt hơi, tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng.

Virus vẫn hoạt động và dễ lây trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm trong gần 2 giờ. Nó có thể lây truyền từ người mắc bệnh trong vòng 4 ngày trước khi bắt đầu phát ban cho tới 4 ngày sau khi phát ban.

Các vụ bùng phát bệnh sởi có thể phát triển thành vụ dịch lớn làm nhiều người tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng. Ở những nước mà dịch sởi đã gần như được xóa sổ, các trường hợp nhiễm bệnh đến từ các nước khác sẽ là nguồn lây nhiễm quan trọng.

Điều trị bệnh sởi như thế nào?

Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu cho virus sởi.

Có thể tránh được biến chứng nặng do sởi bằng điều trị hỗ trợ nhằm đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống đủ nước và điều trị mất nước bằng dung dịch bù nước và điện giải đường uống được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Dung dịch này thay thế cho dịch và các yếu tố cần thiết đã bị mất qua tiêu chảy và nôn. Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định để điều trị các nhiễm trùng tai, nhiễm trùng mắt và viêm phổi.

Làm thế nào để phòng bệnh sởi?

Tiêm vắc xin phòng sởi định kỳ cho trẻ, kết hợp với chiến dịch tiêm chủng hàng loạt ở những nước có tỷ lệ mắc và tử vong do sởi cao là những chiến lược y tế công cộng quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong do sởi trên toàn cầu.

Từ năm 2002 Việt Nam đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến14 tuổi. Năm 2011 chương trình tiêm chủng quốc gia của Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin phòng sởi mũi thứ hai cho trẻ 18 tháng tuổi nhằm đảm bảo đáp ứng miễn dịch và giảm số ca mắc sởi. Một chiến dịch tiêm phòng sởi nữa trên toàn quốc dự định được bắt đầu vào giữa năm 2014. Tất cả trẻ em Việt Nam đều được tiêm vắc xin sởi miễn phí.

Cha mẹ và người chăm sóc phải đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng thường xuyên đúng lịch để phòng ngừa bệnh sởi và các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng sởi cao ở Việt Nam sẽ ngăn chặn sự lan truyền của bệnh, và phá vỡ tính chất chu kỳ của các ca bệnh sởi gần đây nhất.

Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi theo đúng khuyến cáo để đảm bảo miễn dịch và ngăn ngừa bùng phát dịch, vì có khoảng 15% số trẻ đã được tiêm chủng thất bại trong việc tạo ra miễn dịch với liều đầu tiên.

Nguồn: Theo WHO Việt Nam